Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Ở xã nghèo nhất tỉnh Yên Bái, nghĩ về ngày thành lập Đảng Trên suốt chặng đường gần 400 cây số từ huyện Mù Cang Chải trở về, xe chúng tôi vượt đèo Khau Phạ, qua Nghĩa Lộ, Văn Chấn, qua Ngã Ba khe, qua Thu Cúc, Thanh Sơ

Ở xã nghèo nhất tỉnh Yên Bái, nghĩ về ngày thành lập Đảng

Thứ bảy - 11/10/2014 13:23
Ở xã nghèo nhất tỉnh Yên Bái, nghĩ về ngày thành lập Đảng
 
 
Trên suốt chặng đường gần 400 cây số từ huyện Mù Cang Chải trở về, xe chúng tôi vượt đèo Khau Phạ, qua Nghĩa Lộ, Văn Chấn, qua Ngã Ba khe, qua Thu Cúc, Thanh Sơn, qua Trung Hà, Phú Thọ… những địa danh lịch sử còn vang vọng tinh thần kháng chiến chống Pháp thắng lợi cách đây hơn nửa thế kỷ. Bỗng tôi thầm nghĩ, có thể trong ngày thành lập Đảng hôm nay, nhiều người dân ở xã nghèo nhất tỉnh Yên Bái chưa hẳn đã nhẩm tính được, từ năm 1930 đến nay, Đảng ta đã bao nhiêu tuổi, nhưng chắc chắn, qua lời “phiên dịch” của đồng chí Bí thư Đảng ủy, bà con sẽ biết những đảng viên như chúng tôi đã về với bà con.
 
Hôm nay kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2013). Và thật tình cờ, ngày hôm qua, Đoàn công tác của Báo CAND chúng tôi và đại diện Công an huyện Mù Cang Chải đi đến xã Hồ Bốn, một xã xa nhất, nghèo nhất của tỉnh Yên Bái, bỗng thấy nao lòng khi trước mắt chúng tôi là lá cờ Đảng treo bên một dốc núi cạnh trụ sở xã, bay rạng rỡ trong gió và nắng sớm.
Chuyện này ở một xã đồng bằng hay trong một hội trường ở miền xuôi thì đã là ý nghĩa, nhưng lại hiển hiện ở một bản miền núi cao, màu cờ đỏ hòa vào rừng xanh và nắng ban mai, giữa nhiều sắc màu áo Tết của bà con người Mông đang đi chợ, lại càng thấy xúc động và ấm cúng lạ kỳ
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hảng A Ký, người dân tộc Mông, cho chúng tôi biết, Hồ Bốn cách thị trấn Mù Cang Chải hơn 20 cây số đường núi trập trùng, giáp với tỉnh Lai Châu, chỉ đi tiếp 6 cây số nữa là đến thị trấn huyện Than Uyên của tỉnh này.
Hồ Bốn có 437 hộ thì đã có tới 331 hộ là nghèo; trong 2.410 người dân thì 95% là dân tộc Mông, thu nhập đầu người 5,4 triệu đồng/năm, tính cả hỗ trợ của Nhà nước. Truyền thống của người Mông xưa nay chỉ làm một vụ, thời gian còn lại là vào rừng hái quả, đốn củi, săn bắn thú và nhàn rỗi một chút là con trai, đàn ông bung biêng với rượu ngô, rượu sắn.
Buổi sáng chúng tôi lên trao tặng quà Tết cho các hộ nghèo, dọc đường đã thấy nhiều chàng trai Mông nằm co quắp ngủ say sưa bên hiên nhà dọc đường. Thiếu tá Lý Thị Cung, Phó trưởng Công an huyện Mù Cang Chải, cười vui giải thích với tôi: “Người Mông chúng em đấy. Say rượu là ngủ quên hết. Vợ con đánh thức cũng không biết đường mà dậy đâu”.
Chị Cung giải thích với xe chúng tôi đang leo dốc: “Truyền thống ngàn đời lâu nay của người Mông là ăn Tết vào mùng 1 tháng Chạp ta. Ngày Tết thì uống rượu, vui chơi suốt cả tháng Chạp, đợi đến Tết Nguyên đán của người Kinh thì ăn Tết tiếp một tháng ròng nữa. Như vậy là thời hiện đại này, người Mông ăn hai cái Tết. Hai tháng rượu chè, vui chơi, chả còn thời gian ngó đến ruộng đồng… Nghèo cũng từ đấy mà ra…”.
Thì ra là vậy, tôi còn nhớ năm 2010, khi chúng tôi ngược lên huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải tặng quà tết cho bà con, nhiều cán bộ tỉnh này đã cảnh báo, ngày mùng một Tết người Mông, bà con có tập tục sẽ không ra khỏi nhà, vì thế sẽ không ai đến nhận quà đâu. Thế nhưng, khi chúng tôi được cán bộ Công an huyện đưa về xã Chế Cu Nha (tiếng Mông là nhà cháy), bà con rất hồ hởi đến nhận quà Tết. Quà là một chiếc chăn bông, vài chai nước mắm, dầu ăn, một ít mỳ chính và bánh kẹo kèm 300 ngàn đồng tiền mặt… Như vậy, có thể nói, sống giao thoa với văn hóa chung của dân tộc, đồng bào Mông đã hội nhập, thích ứng rất tốt.
Lần này cũng vậy, khi xe chúng tôi dừng tại trụ sở xã Hồ Bốn, rất đông bà con mặc những bộ quần áo thêu màu chỉ đỏ, chỉ xanh đến đón đoàn. Nếu tính theo tết cũ của người Mông, hôm nay đã là 21 tháng Chạp ta, tất nhiên không phải mùng một để mà kiêng kị nữa. Thế nhưng, điều làm chúng tôi bất ngờ nhất khi được nghe đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hồ Bốn thông báo: “Báo cáo với nhà báo, năm nay theo vận động của cả tỉnh, cả huyện, đồng bào Mông đã đồng ý cùng ăn Tết Nguyên đán với người Kinh, ăn Tết Nguyên đán”.
Tôi hỏi, làm sao mà vận động được, kinh nghiệm của Bí thư như thế nào? Anh Hảng A Ký nhìn vào tôi nói tự tin: “Lúc đầu nói thật với anh là rất khó. Nhưng chúng tôi phân công các đảng viên đến từng bản vận động, nói điều hay lẽ phải, bàn bạc cùng bà con. Nếu ăn cả hai Tết, đồng bào sẽ chậm cày cấy vụ đông xuân, làm hỏng mạ, đất cày đợi lúa thì hỏng cả nước, không thu nhập thêm, nghèo lại hoàn nghèo. Nếu ăn hai Tết, các em học sinh ở bản nghỉ cả tháng, sau này tập trung học lại càng khó, cái chữ cứ theo nhà rỗi mà bỏ đi, các sinh viên ở xa buộc phải trốn học về bản 2 lần, tiền tàu xe cực kỳ tốn kém… Chi bằng ăn một cái Tết, cùng là Tết chung của dân tộc Việt Nam mình, vui chung, ngày Tết qua nhà chúc Tết nhau cùng uống rượu đoàn kết”…
Vậy là bắt đầu từ đảng viên, những điều hay lẽ phải đến với già làng, trưởng bản, đến với tộc trưởng các dòng họ và những người có uy tín, dần dà bà con hiểu ra, ủng hộ cán bộ, cùng người Kinh ăn một cái Tết. Đây quả là một thắng lợi nhiều ý nghĩa của tỉnh Yên Bái, của huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu… có đông bà con người Mông.
Anh Hảng A Ký thật thà nói: “Ồ, bây giờ tôi càng hiểu câu đảng viên đi trước, làng nước theo sau là hay lắm cơ, anh ạ. Những ngày tháng đi vận động bà con, chúng tôi rất cám ơn sự giúp đỡ tận tình của đồng chí Lý Thị Cung và Công an huyện nhà. Hôm nay, Báo CAND đến trao quà cho bà con nghèo ở đây, trong đó có cả những người có thành tích tốt bảo vệ an ninh trật tự thôn bản đấy…”.
Chúng tôi trao quà cho bà con, mỗi suất quà trị giá 500 ngàn đồng, có chăn ấm và tiền mặt do Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi ở TP HCM chuyển ra. Của một đồng công một nén, Báo CAND đã cử đoàn công tác, mang nguyên quà của doanh nghiệp trao tận tay bà con nghèo, Công an tỉnh Yên Bái, Công an huyện Mù Cang Chải, công an Trạm Tấu cũng xắn tay cho xe chở những tấm chăn nghĩa tình đến vùng giá rét.
Để một món quà đến tay bà con, chúng tôi - những chiến sỹ Công an, những đảng viên của đảng trong lực lượng CAND đã làm việc trung thực và tận tình để khi nhận món quà này, bà con nghèo vùng cao cảm thấy mình được tôn trọng và chia sẻ. Bởi dường như ai cũng hiểu một điều mà thành ngữ của ông cha ta đã nói, quà không bằng cách cho quà!
Tôi còn nhớ, khi phát biểu với bà con trong lễ trao quà, đồng chí Bí thư Đảng ủy đã nói bằng tiếng Mông: “Đây là quà của doanh nghiệp, cũng là quà của cán bộ Công an, nhân ngày thành lập Đảng, nhân ngày Tết của Việt Nam…”. Nói rồi ông cười to, bà con cũng cười vui, ánh mắt nhìn sắc phục của chúng tôi thân thiện lắm.
Trên suốt chặng đường gần 400 cây số từ huyện Mù Cang Chải trở về, xe chúng tôi vượt đèo Khau Phạ, qua Nghĩa Lộ, Văn Chấn, qua Ngã Ba khe, qua Thu Cúc, Thanh Sơn, qua Trung Hà, Phú Thọ… những địa danh lịch sử còn vang vọng tinh thần kháng chiến chống Pháp thắng lợi cách đây hơn nửa thế kỷ.
Bỗng tôi thầm nghĩ, có thể trong ngày thành lập Đảng hôm nay, nhiều người dân ở xã nghèo nhất tỉnh Yên Bái chưa hẳn đã nhẩm tính được, từ năm 1930 đến nay, Đảng ta đã bao nhiêu tuổi, nhưng chắc chắn, qua lời “phiên dịch” của đồng chí Bí thư Đảng ủy, bà con sẽ biết những đảng viên như chúng tôi đã về với bà con.
Đảng sẽ mạnh lên, sẽ gần dân hơn, sẽ hiện hữu trong lòng dân qua từng hành động nhỏ, thiết thực của những đảng viên cụ thể. Ví như các đảng viên ở xã Hồ Bốn gương mẫu, vận động người Mông ăn chung Tết Việt Nam, ví như những đảng viên của Công an huyện Mù Cang Chải, Công an huyện Trạm Tấu và Báo CAND nữa… chuyển quà Tết về tận tay bà con, thêm một nhánh củi khô, chiếc bánh chưng xanh góp vào bếp lửa ấm áp của người Mông hôm nay, góp phần làm đỏ thắm hơn lá cờ Đảng treo cạnh trụ sở xã!
Theo cand.com.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
1
2
3
4
5
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: yên báithành lập
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn